HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ NHẰM THU HÚT NGUỒN LAO ĐỘNG CÓ TAY NGHỀ PHỤC VỤ CHO CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM VÀ KHU CÔNG NGHIỆP PHÍA NAM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2023-2025
Ngày 03/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch “Hỗ trợ đào tạo nghề nhằm thu hút nguồn lao động có tay nghề phục vụ cho các dự án trọng điểm và khu công nghiệp phía Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí một phần trong đào tạo và huấn luyện kỹ năng cho người lao động đồng thời đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các dự án trọng điểm và Khu công nghiệp phía Nam.
Theo đó, đối tượng người lao động và các chính sách được hưởng như sau:
* Đối với hình thức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng:
- Đối tượng: Người lao động làm việc tại các dự án trọng điểm và Khu công nghiệp phía Nam có nhu cầu đào tạo, nâng cao tay nghề.
- Mức hỗ trợ chi phí đào tạo: Áp dụng theo Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND ngày 05/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Quyết định số 46/2020/QĐ-UBND ngày 30/10/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND.
* Đối với hình thức đào tạo nghề tại doanh nghiệp nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động:
- Đối tượng: Người lao động đáp ứng các điều kiện sau: đã làm việc trong doanh nghiệp tối thiểu 6 tháng liên tục; không quá 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ.
- Mức hỗ trợ chi phí đào tạo:
+ Theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 12 tại Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tối đa không quá 2.000.000 đồng/người/khóa học;
+ Các chi phí còn lại (bao gồm: chênh lệch chi phí đào tạo nghề 01 nghề/người/khóa học cao hơn mức hỗ trợ chi phí đào tạo tại Khoản 1, Điều 12 tại Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 và cao hơn mức quy định hỗ trợ theo Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận) tiền ăn, đi lại và chi phí khác do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận;
+ Người lao động được doanh nghiệp chi trả tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian đi học theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Bộ Luật lao động và các chi phí khác (nếu có) theo quy định tại điều 144 Bộ Luật lao động. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động khi cử tham gia các khóa đào tạo nghề.
Để được hỗ trợ theo quy định, người sử dụng lao động nộp hồ sơ gồm:
+ Văn bản đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề của doanh nghiệp;
+ Danh sách trích ngang người lao động tham gia đào tạo nội dung gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ngày bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp; số sổ BHXH; ngành nghề cần đào tạo; thời gian đào tạo;
Hồ sơ gửi đến phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện nơi doanh nghiệp hoạt động.