Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2024”
Ngày 24/9/2024, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2024 với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Long Biên, Uỷ viên thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, tham luận nhiều khía cạnh khác nhau về chuyển đổi số và kinh tế số như: Triển khai không dùng tiền mặt; Giải phát hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hệ sinh thái nông nghiệp số; Hạ tầng công nghệ thông tin điện toán đám mây; Nguy cơ đe dọa an ninh mạng; Giải pháp số hóa, dữ liệu nền tảng số; Hệ thống kết nối internet vạn vật; Giải pháp chuyển đổi số hộ tiểu thương và hộ kinh doanh và Hệ thống chuyển đổi số khu phố thông ấp; An toàn dữ liệu trong thời đại trí tuệ nhân tạo; Giải pháp thông báo thông minh … do lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp viễn thông, các chuyên gia tham dự hội thảo trình bày.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa cho các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được các ngành, các cấp đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu quan trọng, tạo nền tảng, động lực cho chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế số là một nội dung được quan tâm trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi: Công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số. Kinh tế số đặc trưng bởi giao dịch online, một thế giới ảo, không giấy tờ, không tiền mặt. Mọi doanh nghiệp đều sử dụng thương mại điện tử, công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra dịch vụ mới, công việc mới. Mục tiêu của Ninh Thuận đặt ra về đóng góp của kinh tế số vào GDP đạt 20% vào năm 2025. Để đạt được các mục tiêu cũng như phát triển kinh tế số ở Ninh Thuận thì các giải pháp cơ bản về thể chế chính sách, hạ tầng số, nguồn nhân lực phải được thực hiện đồng bộ. Theo đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số, thu hút đầu tư vốn trong hoạt đông nghiên cứu phát triển sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số. Các doanh nghiệp viễn thông nâng cấp mạng 4G, đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G, tiến tới phổ cập điện toán đám mây, thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là hệ thống thanh toán điện tử. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và người dân chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế số, thay đổi tư duy và nhận thức trong đổi mới, sáng tạo, áp dụng mô hình kinh doanh số, hướng tới tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh./.
(Nguồn: Như Ngọc – Cổng thông tin tỉnh Ninh Thuận)